CÙNG FUJI TÌM HIỂU TIẾNG NHẬT #4
🌸 Kì 4: PHÂN BIỆT CÁC TỪ DỄ GÂY NHẦM LẪN 🌸
Chào mọi người, series “Cùng Fuji tìm hiểu về tiếng Nhật” của chúng mình đã quay trở lại rồi đây! 🤩
Quá trình học tiếng Nhật, chắc hẳn mọi người cũng gặp phải không ít từ dễ gây nhầm lẫn nhỉ?🧐🧐 Vậy, làm thế nào để phân biệt được cách sử dụng, cũng như áp dụng chúng vào từng tình huống cụ thể? Hôm nay, Fuji tụi mình sẽ điểm qua một số cặp từ mang ý nghĩa tương tự nhau, nhưng lại khác nhau trong cách sử dụng. Để từ đó, giúp các bạn có thể giao tiếp thật tự tin và xây dựng một văn phong diễn đạt sao cho phong phú nhé!😉
1. 焦る (aseru) và 急ぐ (isogu)
Nhìn chung, cả hai từ này đều mang hàm nghĩa là “thực hiện một hành động nào đó nhanh chóng” nhưng nếu chúng ta phân tích sâu hơn, chúng lại có một vài điểm khác nhau đấy nhé!
焦る được sử dụng khi muốn diễn tả tình trạng “vội vã làm gì đó”. Bản thân người nói khi sử dụng từ này có thể mang sắc thái hơi sốt ruột, nôn nóng và hấp tấp. Chính vì điều đó, có thể khiến công việc xảy ra sai sót hoặc nảy sinh các vấn đề không mong muốn.
Đối với 急ぐ thì chỉ đơn giản là “làm gì đó nhanh lên” để sớm hoàn thành một mục tiêu nào đó. Trong trường hợp bạn muốn khuyên người khác là “hãy nhanh lên”, hãy nên sử dụng 急ぐ.
Ví dụ : 会議に遅れないように、急いでください。 (Bạn hãy nhanh lên kẻo bị trễ họp!).
Nếu sử dụng 焦る, câu nói sẽ mang ý nghĩa là “vội vàng, hấp tấp”. Vì vậy, nó không chứa đựng ý nghĩa khuyên nhủ mà được dùng để miêu tả trạng thái (thường là sự bất cẩn) của đối tượng người nói hướng tới.
Ví dụ: 早く終わらそうと焦ってミスしてしまった。 (Vì muốn xong sớm nên tôi vội vã dẫn đến mắc phải sai lầm.)
2. 割れる (wareru) ー 壊れる (kowareru)
Cả hai từ này đều diễn tả trạng thái hư hỏng của sự vật. Tuy nhiên, xét về mặt ngữ nghĩa thì 割れる lại cụ thể hơn và ngụ ý phá vỡ một cái gì đó thành nhiều mảnh. Nó thường được sử dụng cho những thứ dễ vỡ, chẳng hạn như bát đĩa hoặc đồ thủy tinh.
Ví dụ: お皿が割れる。(Chiếc dĩa bị vỡ.)
Còn đối với 壊れる, người ta thường dùng từ này để diễn tả tình trạng bị hỏng của sự vật với hàm ý nhấn mạnh rằng nó đã mất đi chức năng vốn có.
Ví dụ: パソコンが壊れた.
Ở trong câu trên, người nói muốn nhấn mạnh là máy vi tính này đã bị hỏng, không thể sử dụng được nữa (có thể là hư hỏng các thiết bị, phần cứng, phần mềm,... của máy tính khiến cho nó không thể hoạt động chứ không nhất thiết phải là hư hỏng do bị đập phá, nát vỡ).
Vậy nên, khi sử dụng hai từ này, các bạn hãy nhớ tuỳ thuộc vào tính chất, đặc điểm của từng sự vật mà lựa chọn sao cho phù hợp nhé.
3. 今回 (konkai) ー 今度 (kondo)
Đây là hai từ mà chúng ta rất thường xuyên sử dụng. Nhìn chung cả 今度 và 今回 đều mang hàm nghĩa là “lần này”, diễn tả sự việc đang được diễn ra hiện tại, hoặc những việc vừa mới diễn ra trong số những sự việc được thực hiện nhiều lần. Tuy nhiên, với 今度, nó còn được sử dụng để nói về sự việc sẽ được diễn ra trong tương lai gần. Đây là ví dụ cho hai cách dùng đó.
Ví dụ: 今度の試験は出来がよくなかった。 (Kì thi lần này tôi đã làm không tốt) hoặc 今度はフランスへ行きます。 (Lần tới tôi sẽ đi Pháp).
4. 改めて (aratamete) ー 再たたび (futatabi)
Cả hai từ này đều mang nghĩa là “lại” hoặc “một lần nữa”. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, giữa chúng lại mang những sắc thái khác nhau đấy.
改めて biểu hiện một sắc thái trang trọng hơn. Nói chung, từ này có thể được sử dụng nếu có một trạng thái hoặc tình huống đã xảy ra một lần trong quá khứ và đã được giải quyết, nhưng sau đó nó lại xảy ra. Từ này có xu hướng sử dụng thường xuyên trong tiểu thuyết, văn chương nhiều hơn.
Ví dụ: 改めて憂鬱になっていた。(Một lần nữa, tôi lại trở nên chán nản).
再び cũng dùng để diễn tả một hành động hoặc trạng thái nào đó được lặp lại. Bên cạnh đó, nó còn mang hàm ý chỉ ra rằng, lần cuối cùng hành động được thực hiện là một thời gian dài trước đây, như một thập kỷ hoặc nhiều năm.
Ví dụ: 再び故郷の町を見た。 (Tôi đã gặp lại quê hương của mình)
5. 先生 (sensei) ー 教師 (kyoushi) ー 教授 (kyouju)
Đây là những từ rất quen thuộc với chúng ta, cùng mang ý nghĩa chung là “giáo viên”. Tuy nhiên, giữa chúng lại có sự khác nhau một chút về ngữ nghĩa và trường hợp sử dụng đấy. Chúng ta hãy cùng đi sâu từng từ để xem thử chúng ẩn chứa những ý nghĩa gì đặt biệt nhé.
先生 dùng để gọi một người nào đó với tư cách là thầy/cô giáo. Nó được sử dụng như một danh hiệu, một tên gọi. Hẳn rằng, chúng ta đã từng gặp trường hợp khi gọi một ai đó, ngoài cách gọi đơn lẻ “ 先生” thì ta cũng thường hay dùng khi ghép theo sau tên riêng của họ. Chẳng hạn: 山田先生、田中せんせい、… Tuy nhiên, cách dùng này không được sử dụng trong việc để tên giáo viên trong các tài liệu cũng như các trường hợp mang tính trang trọng khác. Ngoài ra, 先生 có phạm vi sử dụng khá rộng, không chỉ dùng riêng lĩnh vực giáo dục mà còn được dùng trong nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ: để gọi các bác sĩ, các luật sư...
教師 dùng để chỉ những người đảm nhiệm việc hướng dẫn, giảng dạy một lĩnh vực định sẵn nào đó. Khác với 先生, nó không được dùng cho các cách gọi như bác sĩ, luật sư mà chỉ là nói riêng nghề giáo. Từ này mang sắc thái nhẹ nhàng, khiêm nhường hơn.
Cuối cùng là 教授. Từ này dùng để chỉ các giảng viên, giáo sư giảng dạy ở các trường đại học. Họ cũng là giáo viên nhưng cao hơn về cấp bậc và trình độ. Người ta không gọi 教授 như cách dùng của 先生, mà đây được xem như một chức danh nghề nghiệp, tương tự như “giảng viên” và “giáo viên” trong tiếng Việt vậy đó!
Vậy là chúng ta đã đi qua hết cặp từ các dễ gây nhầm lẫn của bài lần này rồi! Hy vọng bài viết có thể giúp ích được cho các bạn trong quá trình học tiếng Nhật. Mong rằng từ những bài viết như thế này, các bạn có thể sử dụng thành thạo từ vựng vào từng trường hợp khác nhau nhé!
Nhận xét
Đăng nhận xét