CÙNG FUJI TÌM HIỂU TIẾNG NHẬT #2
🌸 Kì 2: Các đại từ và cách xưng hô (pt. 2) 🌸
Với chủ đề lần trước, chúng ta đã nói về những đại từ xưng hô dùng khi muốn nói đến bản thân trong giao tiếp thì lần này, khi muốn nói đến đối phương, thứ chúng ta cần quan tâm ở đây chính là các “hậu tố”. 🧐
Trong giao tiếp tiếng Nhật, chúng ta luôn thường hay nghe thấy những hậu tố như “san”, “sama” hay “chan” luôn được thường xuyên sử dụng phải không nào? Nếu các bạn có xem anime thì chắc hẳn sẽ cảm giác mình cũng đã biết ít nhiều về những từ này, nhưng các bạn có biết rằng, mỗi hậu tố như vậy không chỉ được dùng tuỳ vào mức độ thân thiết và quan hệ đôi bên mà dùng cho các đối tượng nhất định khác nhau, khiến việc sử dụng các hậu tố sao cho phù hợp trở nên vô cùng quan trọng đó! Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, các bạn hãy cùng Fuji đi sâu hơn vào nội dung ngày hôm nay nhé! 😁😁😁
1. さん (san)
"San" là hậu tố quen thuộc nhất và được dùng rất nhiều trong giao tiếp hàng ngày của người Nhật. Khi mới gặp một người lần đầu hoặc đơn giản là không muốn thất lễ với đối phương, để bảo đảm được tính lịch sự thì bạn có thể dùng "san" sau họ của đối phương khi muốn nhắc đến họ. Đây là một cách gọi tên vô cùng phụ hợp nếu bạn không muốn trở nên tôn kính một cách không cần thiết hoặc quá thân mật với một ai đó. 🙋♂️
Tất nhiên, cách xưng hô này chỉ được sử dụng khi đối phương là một người cùng địa vị với mình như là bạn cùng lứa, đồng nghiệp,... nên là đối với những người có vị trí trên mình thì không được phép sử dụng hậu tố này nhé! 😮
Ngoài ra, "san" có thể được gắn vào tên một nghề nghiệp để nhắc đến người đang làm nghề đó, ví dụ như 本屋さん (honya-san: anh/chị nhân viên bán sách), コックさん (kokku-san: anh/chị đầu bếp),... 👁👄👁
2. 様 (sama)
“Sama” là một trong những hậu tố thể hiện thái độ cực kì kính trọng với đối phương và cũng vì lẽ đó, đối tượng sử dụng hậu tố này cũng khá là đa dạng:
🌟 Khi gọi tên các vị thần linh, thiên hoàng hay chủ nhân, ta ắt hẳn phải dùng hậu tố “sama” để thể hiện lên được sự tôn kính ấy. Việc này cũng gần tương tự như thêm từ “Ngài” trong tiếng Việt mình vậy. 😉
🌟 Thực tế, trong những gia đình truyền thống và có nhiều phép tắc thì “sama” cũng được dùng để gọi ông bà, bố mẹ như お父様 (otou-sama: bố) hay おばあ様 (obaa-sama: bà). Việc này cũng khá là dễ hiểu khi họ muốn thể hiện mức độ kính trọng cao như thế với các đấng sinh thành của mình. 🙇♂️
🌟 Ở các công ty hay cửa hàng, “sama” được dùng để gọi khách hàng với một sắc thái trang trọng, lịch sự. Còn nếu như nếu bạn không biết tên khách hàng, bạn có thể gọi họ là お客様 (okyaku-sama: khách hàng) để có thể giữ mức tôn kính ấy. Bởi thế, câu nói “Khách hàng là thượng đế” quả thật là không sai chút nào. 😄😄😄
3. ちゃん (chan)
Khác với 2 hậu tố trên, “chan” lại thể hiện sự thân mật, thường được dùng để gọi tên các bé gái, những người ít tuổi hơn hoặc những người theo mình cảm thấy dễ thương và yêu quý. Vì là một hậu tố chứa đựng cảm xúc quý mến đối phương, khác với “san” và “sama” là được sử dùng cùng với họ của đối phương, “chan” lại đi kèm với tên của họ. 🥰
Thêm vào đó, “chan” được dùng để gọi các thứ dễ thương, ví dụ như Hello Kitty còn được gọi là Kitty-chan, hoặc như Shizuka gọi Doraemon là Dora-chan nè. Ngoài ra, để tăng độ đáng yêu lên nữa, “chan” còn có các biến thể như là “chin”, “cchi”, “tan”,... nữa đó. Bạn nào có coi Love Live! chắc hẳn sẽ nghe những cái tên gọi như là “Nicocchi”, “Elicchi” hay “Kayo-chin” nè. 😆😆😆
4. くん (kun)
Tương tự với “chan”, “kun” đi kèm với tên của đối phương và là cách gọi thân mật dành cho các bé trai, các bạn nam cùng trang lứa hoặc kém tuổi hơn. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt về “kun” là ngoài cách sử dụng đơn giản đó thì chúng ta cũng có thể bắt gặp “kun” ở các trường hợp đặc biệt sau:
🌟 Trong giới chính trị hoặc tại Quốc hội thì dù nam hay nữ, tên của họ đều đi kèm theo “kun”. Điều này là do vào cuối thời đại Edo họ thường hay dùng từ “主君/君主“ (shukun/kunshu: người chủ) với ngụ ý là “dù đối phương là ai thì đều đáng kính như nhau”. Sau đó, từ này được rút ngắn thành “kun” và vào năm Meiji thứ 23, kì Quốc Hội đầu tiên diễn ra, khiến cách dùng này trở thành một trong những lễ quy tại các kì Quốc hội. 🤯
🌟 Tương tự với ý nghĩa trên, “kun” còn có thể được sử dụng cho những người cấp dưới hoặc dưới mình như một cách xem mọi người đều như nhau (ông/các cháu, giáo viên/học sinh, thanh tra Meguri/các đồng nghiệp (trong Conan),...). 😮
🌟 Nếu các bạn để ý, bạn sẽ thấy rằng trong Doraemon, Dekisugi lại dùng “kun” để gọi Shizuka. Điều này là do Dekisugi muốn thể hiện rằng Shizuka khác với những người con gái còn lại đó! (dù khá buồn cho cậu khi về sau Shizuka lại chọn Nobita 😅)
5. Các hậu tố khác
Ngoài những hậu tố thông dụng ra thì còn có những lúc chúng ta sẽ gặp những hậu tố tưởng chừng đã quen thuộc nhưng lại có cách sử dụng đặc biệt, hoặc những hậu tố hiếm gặp hơn nhưng cũng không kém phần thú vị khác như:
- 先生 (sensei): Ngoài việc được sử dụng cho các thầy cô giáo, hậu tố này còn thể hiện sự kính trọng, ngưỡng mộ dành cho những người tài giỏi, có kiến thức ở một lĩnh vực cụ thể nào đó như là y sĩ, họa sĩ, nhà văn,... 🧑🏫
- との/どの (tono/dono): Hậu tố này đi sau tên sẽ mang âm “dono”, vào thời xa xưa thì sẽ mang ý nghĩa là “chúa tể”, “chúa công”. So với “sama”, “dono” có độ tôn kính thấp hơn, dùng đối với những người có địa vị bằng hoặc là thấp hơn mình. Thông thường, vì “dono” thiếu tính nhún nhường hơn “sama”, người Nhật sẽ ít sử dụng, nhưng trong trong môi trường quân đội Nhật Bản, văn bản thư từ kinh doanh, văn hoá thư pháp hay trà đạo thì “dono” vẫn được sử dụng thường xuyên. 🙇
- 御前 (gozen): Là hậu tố thể hiện sự quý tộc, thường được dùng cho phụ nữ. Hậu tố này dù không còn được sử dụng nhiều sau Thế Chiến thứ 2 nhưng vẫn xuất hiện ở những trường hợp đặc biệt. 🙇♂️🧎♂️
- Các chức vị: Tương tự như “sensei”, thông thường trong môi trường công sở, các bạn sẽ thường nghe thấy người Nhật sử dụng các chức vị của mình như một hậu tố như là 部長 (buchou: trưởng phòng), 警部 (keibu: thanh tra), 先輩/後輩 (senpai/kouhai: tiền bối/hậu bối),... 🙇♂️
- Không thêm hậu tố: Khi quan hệ giữa bạn và đối phương đã trở nên rất thân mật rồi thì việc không dùng hậu tố mà gọi tên ngay sẽ thể hiện rằng những từ ngữ dùng để giữ tính lịch sự là không cần thiết (hoặc đơn giản họ không muốn bận tâm đến chuyện đó thôi). Quan hệ này có thể là giữa những người trong nhà, bạn thân hoặc có thể là... nửa kia của bạn nữa đó! 😚😚😚
Tất nhiên, ngoài những quy tắc này ra, người Nhật cũng có thể thoải mái nói cho đối phương biết cách mà mình muốn được gọi và nếu như đủ thân thiết, bạn cũng có thể tạo biệt danh cho họ nữa đó!
Mong rằng sau bài viết này đã giúp các bạn phần nào hiểu được thêm về các hậu tố cũng như cách sử dụng chúng. Còn nhiều điều thú vị về tiếng Nhật nữa đang chờ các bạn khám phá đó, cùng chờ đợi ở những phần sau của series nha! 😍😍
Nhận xét
Đăng nhận xét